Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết từ năm 2009 đến nay, cả nước đã xây dựng 179 dự án nhà ở với 71.150 căn hộ, tương đương khoảng 3,7 triệu m2, tổng mức đầu tư 25.900 tỉ đồng (97 dự án nhà ở xã hội cho công nhân KCN, 82 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp)… Ông Hà thừa nhận chương trình hỗ trợ nhà ở triển khai chậm, mới đạt 28% so với chỉ tiêu số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và KCN đến năm 2020 đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ).
Qua giám sát một số chương trình nhà ở xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sỹ Lợi chỉ rõ việc triển khai nhà ở xã hội chậm có nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính rườm rà. “Có rất nhiều cơ chế khiến doanh nghiệp (DN) rất khó chịu, như các thủ tục về vốn, đất đai, xây dựng… quá “nhiều cửa”! Nhà đầu tư đi làm phúc lợi xã hội mà nhiều thủ tục đè quá thì làm thế nào được” - ông Lợi thẳng thắn.
Là người trong cuộc, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân (TP HCM), cho rằng rào cản của các nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chính là thủ tục hành chính. Ông dẫn chứng thủ tục xây nhà ở xã hội gấp 2 lần làm nhà ở thương mại, trong đó có các thủ tục về đất đai, quy hoạch, đặc biệt là thủ tục giải ngân và thanh tra, kiểm tra vì liên quan đến nguồn vốn ngân sách. “Để tạo động lực và khuyến khích DN, cần giảm thủ tục làm nhà ở xã hội như nhà ở thương mại” - ông Tuấn nhìn nhận.
Theo đại diện Công ty Địa ốc Hoàng Quân, do đối tượng mua nhà chủ yếu là các hộ nghèo cần vay hỗ trợ nên họ thường gặp khó khi chứng minh đủ điều kiện trả nợ cho ngân hàng. Đây là một rào cản mà DN này mong Thủ tướng và Chính phủ xem xét.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng cái khó là khả năng mua nhà của người dân còn hạn chế. Phó Thủ tướng dẫn chứng 80% người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội đều cần sự hỗ trợ thì mới mua được nhà; chỉ 20% có khả năng tự lo, tự chi trả được. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Đình Dũng, nguồn lực đất đai, tài chính, tín dụng là rất dồi dào, kể cả một phần tiền trong dân cũng có.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất về một chương trình hỗ trợ lãi suất, chứ không thể để dự án nhà ở xã hội có lãi suất vay cao như hiện nay. “Nên dành một phần ngân sách chính thức từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN (5 triệu tỉ đồng) để lo vấn đề này và cần hỗ trợ tín dụng cho người mua nhà” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý.
Chất lượng không được thấp
Đánh giá một số mô hình nhà ở xã hội thành công, tốt cả về đầu tư, chất lượng nhà ở và dịch vụ lẫn quản lý, vận hành như Đặng Xá của Tổng Công ty Viglacera (Hà Nội), Becamex Bình Dương, Công ty Địa ốc Hoàng Quân... song một số ý kiến tại hội nghị vẫn lo chất lượng nhà thu nhập thấp cũng như các điều kiện sống tối thiểu của người dân tại các dự án này.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng cho rằng nhà giá rẻ nhưng phải bảo đảm chất lượng, gắn với cơ sở hạ tầng đồng bộ, xây dựng thiết chế văn hóa… Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam còn cho biết có dự án nhà ở xã hội chất lượng rất kém, mưa là dột, hư hỏng làm người ở không muốn về nhà, đặc biệt là thiết chế văn hóa tại các khu nhà ở cho công nhân gần như bỏ trắng.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết quan điểm của Đảng, nhà nước và Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhà nước, của xã hội và người dân, mà trước hết là chủ các KCN, người sử dụng lao động. “Tổng LĐLĐ nêu ra 1,5 triệu người chưa có nhà ở tối thiểu, đặc biệt là công nhân tại các KCN, đời sống còn rất khó khăn” - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời nêu rõ phương châm “đông tay vỗ nên kêu” - đó là ngoài vốn ngân sách, chủ các KCN, DN phải lo việc phát triển nhà ở cho công nhân; trong quy hoạch phát triển KCN phải dành đất cho phát triển nhà ở.
Thủ tướng lưu ý “nhà thu nhập thấp nhưng chất lượng không được thấp”, cần tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội; có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục… Thủ tướng yêu cầu khu đô thị nhà ở xã hội phải quy hoạch đồng bộ các thiết chế văn hóa, có một tỉ lệ thích hợp giữa nhà ở thương mại, tức phân khúc cao cấp hơn nhà ở xã hội.
Hoan nghênh làm nhà 500-700 triệu đồng/căn
“Tôi thấy ấn tượng với khu đô thị Đặng Xá khi có khu vui chơi giải trí. Người giàu, người nghèo cùng xuống chơi, bình đẳng như nhau chứ không có việc người giàu ở riêng, người nghèo ở riêng” - Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện có hiệu quả đề án thí điểm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao tại KCN và nhà nước sẽ có hỗ trợ trong quá trình triển khai.
Đồng tình với đại diện Tổng Công ty Viglacera về thể chế, chính sách cho phát triển nhà ở xã hội đã đủ, vấn đề là các địa phương và DN có chịu làm hay không, Thủ tướng dẫn chứng và hoan nghênh một số nhà đầu tư như Vingroup, Mường Thanh… tuyên bố tung ra quỹ nhà 300.000 căn với mức giá 500-700 triệu đồng/căn. “Nếu bảo đảm chất lượng thì rất cần nhân rộng mô hình này ra cả nước. Song, các địa phương cần dành quỹ đất ở gần, chứ ở Hà Nội mà làm nhà trên Sóc Sơn thì cũng không có ai ở” - Thủ tướng nhận xét.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp về chính sách tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác và huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhất là nguồn lực trung và dài hạn, cho phát triển nhà ở xã hội theo hướng tăng nguồn lực xã hội, giảm nguồn vốn nhà nước, giảm dần hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, chuyển sang hỗ trợ tín dụng ưu đãi theo thông lệ quốc tế…
Thủ tướng nhắc nhở lãnh đạo các địa phương rằng chính sách pháp luật cơ bản đã có, câu hỏi đặt ra là lãnh đạo địa phương có làm không, có quyết tâm chính trị để triển khai cụ thể không? Các bộ, ngành trung ương có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển lĩnh vực này không? Thủ tướng nhấn mạnh: “Việc trước mắt là thủ tục hành chính phải nhanh gọn, thuận lợi cho nhà đầu tư”.
Theo Thủ tướng, UBND các tỉnh, thành phố phải xác định lo chỗ ở cho người nghèo, người thu nhập thấp là nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó, tổ chức tốt việc quy hoạch, lo quỹ đất, duyệt quy hoạch… Mô hình nhà ở xã hội cũng không nhất thiết phải làm thấp tầng mà có thể tới 10 tầng, thậm chí cao hơn, có thang máy để hấp dẫn nhà đầu tư. Chính quyền phải chỉ đạo, hỗ trợ và trực tiếp lo mặt bằng, điện nước… để hấp dẫn nhà đầu tư.
Sau hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện chính sách nhà ở xã hội.